Cùng có điểm kết nối TPHCM với các tỉnh lân cận và cửa khẩu quốc tế, hai tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài, TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành sẽ lần lượt được khởi công trong năm 2024-2025, tạo động lực phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ.
Trong đó, tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài hiện đã được UBND TPHCM trình Thủ tướng về phê duyệt chủ trương đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT. TPHCM dự kiến lựa chọn nhà đầu tư, giải phóng mặt bằng trong giai đoạn 2024-2025, khởi công dự án chậm nhất 30/4/2025, hoàn thành năm 2027.
Cao tốc TPHCM - Mộc Bài dài khoảng 50km, trong đó đoạn qua địa bàn TPHCM dài 23,7km, đoạn qua Tây Ninh dài 26,3km. Điểm đầu dự án bắt đầu từ đường Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, TPHCM, đi song song và cách quốc lộ 22 hiện hữu khoảng 3km đến 5km; điểm cuối đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
Tổng mức đầu tư dự án (bao gồm lãi vay) là 19.886 tỷ đồng. Cơ cấu vốn bao gồm các chi phí như xây dựng và thiết bị 9.387 tỷ đồng; 6.900 tỷ đồng bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư (bao gồm dự phòng). Chi phí dự phòng khối lượng xây lắp, thiết bị, trượt giá 1.614 tỷ đồng; lãi vay trong quá trình xây dựng 1.281 tỷ đồng...
Hướng tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài (Đồ họa: Thư Trần).
Về cơ cấu tài chính, vốn Nhà nước tham gia 9.943 tỷ đồng, tương đương 50% tổng mức đầu tư. Vốn ngân sách sử dụng cho công tác giải phóng mặt bằng và hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng... Vốn nhà đầu tư 9.943 tỷ đồng, tương đương 50% tổng mức đầu tư dự án.
Dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư - hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Thời gian hoàn vốn 14 năm 10 tháng.
Hiện tại, đường xuyên Á (quốc lộ 22) là tuyến quốc lộ duy nhất nối TPHCM với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Vì vậy, cao tốc TPHCM - Mộc Bài sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển, đồng thời phát huy lợi thế liên kết với các quốc lộ 1, 22, 22B, đường Hồ Chí Minh. Từ đó hình thành hành lang phát triển kinh tế, kết nối trung tâm kinh tế khu vực phía Nam, cửa khẩu với khu vực ASEAN gồm: Bangkok - Phnom Penh - TPHCM.
Nút giao An Sương - quốc lộ 22 (Ảnh: Phạm Nguyễn).
Tuyến cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dài gần 55km, là trục cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Bình Dương, Bình Phước (trục xuyên tâm cắt qua đường Vành đai 4, Vành đai 3, dẫn đến đường Vành đai 2 TPHCM), nối tiếp tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Mỗi địa phương là cơ quan có thẩm quyền triển khai đoạn đi qua địa bàn.
Tỉnh Bình Dương đầu tư đoạn dài 45,7km (từ Vành đai 3 TPHCM đến giáp ranh tỉnh Bình Dương và Bình Phước), có tổng vốn hơn 17.400 tỷ đồng, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Dự án giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh 60m, đầu tư trước giai đoạn 1 quy mô 4 làn cao tốc (riêng đoạn cao tốc trùng đường ĐT743 đã được đầu tư xây dựng 6 làn xe). Giai đoạn 2 của dự án, Bình Dương tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh nâng từ 4 lên 6 làn cao tốc.
Tỉnh Bình Dương đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ cắm mốc giải phóng mặt bằng, hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng BOT… Dự kiến, tỉnh Bình Dương triển khai thi công cao tốc trong dịp 2/9 năm nay, hoàn thành vào năm 2027.
Đoạn nối từ nút giao Gò Dưa - Vành đai 2 TPHCM (TP Thủ Đức) đến ngã ba Độc Lập giáp Bình Dương sẽ là đường dẫn cao tốc (Ảnh: Nam Anh).
Đoạn cao tốc dài 6,6km qua tỉnh Bình Phước vừa được HĐND tỉnh này thông qua chủ trương đầu tư với tổng vốn 1.474 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương dự kiến là 1.000 tỷ đồng, phần còn lại là ngân sách địa phương, thực hiện năm 2024-2026.
Riêng đoạn qua TPHCM kết nối từ nút giao Gò Dưa - Vành đai 2 TPHCM đến ngã ba Độc Lập, giáp với tỉnh Bình Dương sẽ chuyển thành đường dẫn cao tốc.
Đoạn đường dẫn dài khoảng 1,65km, rộng 60m, bắt đầu từ nút giao Gò Dưa - Vành đai 2 TPHCM (TP Thủ Đức), đi trùng đường Bình Chiểu. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.660 tỷ đồng.
UBND TPHCM đã giao Sở GTVT TPHCM lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đề xuất chủ trương đầu đoạn dẫn cao tốc này, triển khai giai đoạn 2024-2028. Sau khi đưa vào khai thác, cao tốc sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời, công trình còn đóng vai trò giảm tải áp lực giao thông quốc lộ 13, tạo tuyến đường mới kết nối TPHCM đến Bình Phước, tăng năng lực vận tải, giao thương hàng hóa.
Hai tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài và TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dự kiến khởi công trong năm 2024-2025, được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ, đồng thời rút ngắn thời gian di chuyển, kết nối hiệu quả với các tỉnh lân cận và cửa khẩu quốc tế sẽ mang lại nhiều lợi ích cho khu vực.
Riêng tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài có vai trò quan trọng, góp phần hình thành hành lang kinh tế quan trọng, kết nối trung tâm kinh tế khu vực phía Nam với các nước ASEAN, tạo đà cho sự tăng trưởng và hội nhập quốc tế.
Theo Thư Trần - Báo Dân trí