Bức tranh toàn cảnh Bất động sản bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid - 19
Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2020, thị trường Bất động sản đã chứng kiến những thay đổi rõ rệt và khác biệt trong từng phân khúc.
Tâm lý e ngại của khách du lịch khiến hoạt động của ngành dịch vụ lưu trú và bất động sản nghỉ dưỡng “thấm đòn” đầu tiên và thiệt hại khá nặng nề. Thống kê từ các công ty lữ hành cho thấy, 70% khách hàng tại Việt Nam đã hủy tour vì lo sợ dịch bệnh Covid-19 do virus corona. Lượng lớn du khách từ Trung Quốc sụt giảm, nhiều du khách từ các châu lục khác hạn chế du lịch châu Á. Tình trạng các khách sạn, khu du lịch vắng khách đã xuất hiện.
Đối với bất động sản thương mại, mặt bằng bán lẻ, văn phòng hay kho xưởng cũng chịu tác động ngay sau Bất động sản nghỉ dưỡng. Hàng loạt mặt bằng kinh doanh tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh giảm giá cho thuê, treo biển cho thuê, thậm chí phải đóng cửa vì các cửa hàng đều không có khách, doanh thu sụt giảm do tác động của dịch virus Covid-19.
Mặt bằng kinh doanh bị trả hàng loạt do ảnh hưởng từ Covid - 19
Điểm sáng duy nhất trong bức tranh ảm đạm chung trên là phân khúc bất động sản khác như: phân khúc đất nền, bất động sản nhà ở, bất động sản khu công nghiệp và mảng cho thuê.
Bất động sản nhà ở - Ngành ít bị ảnh hưởng
Nhu cầu đối với bất động sản nhà ở không bị ảnh hưởng nhiều vì hoạt động mua nhà chung cư dựa trên nhu cầu và kế hoạch để sinh sống trong dài hạn, không liên quan đến sự kiện như bệnh dịch. Vì vậy, bất động sản nhà ở vẫn được coi là một trong những kênh cất giữ tài sản tương đối an toàn trong trường hợp khủng hoảng kinh tế, nhất là phân khúc thị trường nhà ở có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thực, vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo và phát triển bền vững như thực tiễn đã chứng minh qua các cuộc khủng hoảng đóng băng của thị trường bất động sản các năm 2008, 2011.
Bên cạnh đó, nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam đã tạo ấn tượng tốt trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Xét về dài hạn, nếu thành công trong việc khống chế và kiểm soát dịch bệnh, bất động sản Việt Nam còn có cơ hội đón đầu luồng khách du lịch cũng như nguồn vốn đầu tư lớn từ các nước. Các chính sách đối với người nước ngoài tại Việt Nam và người Việt Nam về từ các vùng dịch trong thời gian được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới - hứa hẹn sẽ nâng bậc Việt Nam trong bảng xếp hạng nói trên. Cùng với các chính sách cởi mở hơn cho người nước ngoài sở hữu bất động sản tại Việt Nam, thị trường bất động sản hứa hẹn sẽ đột phá trong thời gian tới.
Mặt khác, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của thời kỳ dân số vàng - thế hệ có nhu cầu và khả năng sở hữu bất động sản cao nhất thế giới. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa trong top đầu của thế giới. Những yếu tố này khiến thị trường bất động sản vẫn còn rất nhiều dư địa, bất chấp tác động từ dịch Covid-19.
“Tăng sức đề kháng” cho bất động sản mùa dịch bệnh
Cú sốc đại dịch Covid – 19 đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào bất động sản, đặc biệt là thị trường online phát triển nhanh hơn điều kiện bình thường. Dùng ứng dụng trực tuyến, video nhà mẫu, livestream tham quan nhà mẫu nhiều hơn là phương án an toàn và hợp lý. Khách hàng có thể nhận thông tin nhanh chóng thay vì trực tiếp tham quan nhà mẫu hay dự án.
Tham quan nhà mẫu ngay trên các thiết bị điện tử mà không cần đến trực tiếp
Điểm tích cực của xu hướng này là ngày càng nhiều đơn vị tích cực sử dụng công nghệ vào các quá trình tư vấn phát triển dự án (bằng cách sử dụng nền tảng platform liên quan đến việc thu thập dữ liệu và thông tin), tiếp thị (công nghệ thực tế ảo 6D, 3D), tìm kiếm thông tin, booking online, quản lý, vận hành bất động sản... Diễn biến này thúc đẩy tạo nên một hệ sinh thái kết hợp đầy đủ tiện ích, dễ dàng quản lý, đem lại sự thuận tiện nhất và tiết kiệm chi phí cho người dùng.
Tuy nhiên, các ứng dụng công nghệ bất động sản vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức đòi hỏi tính thích ứng, khả năng sử dụng công nghệ của khách hàng và cần thời gian đem đến niềm tin cho những người lần đầu tiếp cận với ứng dụng.