Theo nhận định của nhiều nhà đầu tư và chuyên gia bất động sản thì sau khu Nam và khu Đông, thị trường khu vực giáp ranh TP.HCM như Đồng Nai đang ngày càng hấp dẫn nhờ những định hướng phát triển đô thị trong tương lai.
Xu hướng vốn đầu tư đổ về các thị trường ven TP. HCM
Từ giữa cuối năm 2019, thị trường TP.HCM nói riêng và phía Nam nói chung vẫn tiếp diễn tình trạng khó khăn. Mặc dù chính phủ và doanh nghiệp đang tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là vấn đề pháp lý và cấp phép dự án mới tuy nhiên, cần phải có lộ trình và thời gian.
Trong khi thị trường nhà đất tại TP.HCM ghi nhận tình trạng khan hiếm nguồn cung, quỹ đất thu hẹp, cung không đủ cầu thì sức nóng tại tâm điểm TP.HCM bắt đầu chuyển dịch sang các vùng giáp ranh thành phố như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Long An… Cũng từ đó, các nhà đầu tư lớn cũng đã có nhiều động thái chuyển hướng đầu tư sang các thị trường bất động sản mới. Những khu vực này có ưu thế về quỹ đất, không gian, kết nối vùng và hứa hẹn sinh lời tốt khi hạ tầng hoàn thiện trong tương lai.
Hạ tầng giao thông phát triển mạnh là điểm tựa giúp thị trường bất động sản Đồng Nai tăng trưởng.
Theo đánh giá từ giới chuyên môn, Đồng Nai sẽ tiếp tục là thị trường sáng giá trong năm 2020 thu hút đông đảo sự quan tâm giới đầu tư. Lý do là vì kinh tế Đồng Nai có mức tăng trưởng cao, hàng loạt dự án giao thông lớn đang được đốc thúc, đẩy nhanh tiến độ. Đây sẽ là yếu tố giúp nhà đất trên địa bàn tỉnh tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư. Hứa hẹn làn sóng đầu tư nhộn nhịp. giúp các nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn trong lúc nguồn cung tại TP.HCM khan hiếm.
Hạ tầng bứt phá, bất động sản hưởng lợi
Đồng Nai đang sở hữu hàng loạt dự án giao thông lớn đã và đang và chuẩn bị triển khai như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường vành đai 3, đường Hương lộ 2... Đặc biệt, sân bay quốc tế Long Thành - một trong những dự án hạ tầng giao thông quan trọng nhất cả nước hiện nay cũng đang trong giai đoạn nước rút để có thể khởi công vào đầu năm 2021 theo yêu cầu của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp cuối năm 2019. Theo quy hoạch, sân bay Long Thành có quy mô 5.000ha, có công suất chứa 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy các hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ phát triển, từ đó, bất động sản cạnh sân bay cũng nóng theo với tiềm năng tăng giá cao.
Sân bay Long Thành dự kiến khởi công đầu năm 2021
Trong năm 2020, Đồng Nai sẽ triển khai 3 dự án lớn có tổng số vốn đầu tư trên 7.700 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong 5 năm. Các dự án này gồm: Đường ven sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu; dự án đường ven sông Cái từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản; dự án xây dựng đường trục trung tâm TP Biên Hòa đoạn từ đường Võ Thị Sáu nối đến đường Đặng Văn Trơn.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc Đồng Nai đang vươn lên cùng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước. Theo quy hoạch, Đồng Nai năm 2020 là tỉnh công nghiệp phát triển, 10 năm sau đó sẽ trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị - thương mại, dịch vụ chất lượng cao và vùng nông, lâm nghiệp hiện đại, phát triển bền vững.
Bất động sản tại khu vực này được dự báo có dư địa tăng trưởng tốt và bền vững bởi cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn thiện. Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng ưu tiên nhiều quỹ đất sạch để doanh nghiệp phát triển các dự án quy mô lớn và tích hợp tiện ích phong phú nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng đô thị vào năm 2030.
Lương Tịnh - ĐXMN